Lùng nhùng cá nước lạnh 'ngậm' chất cấm ở Lào Cai
14:43 - 22/12/2017
Vừa qua, tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh Lào Cai tháng 12/2017, ông Nguyễn Anh Tuấn, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh thông tin, hiện nay tình hình vi phạm các quy định về việc sử dụng chất cấm trong nuôi cá nước lạnh vẫn hết sức phức tạp.

Đặc biệt, trong đợt thanh, kiểm tra vừa qua, 12/13 mẫu cá của các cơ sở nuôi trồng thủy sản bị phát hiện có chất cấm theo quy định của Bộ NN-PTNT.  

Xử phạt thẳng tay

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 96 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tổng sản lượng/năm ước đạt 480 tấn. Trong đó, huyện Sa Pa chiếm cao nhất là 340 tấn (71% sản lượng). Theo ông Tuấn, nhiều vùng nuôi cá của Lào Cai phát triển không tuân thủ quy hoạch do UBND tỉnh đề ra. Trong khi, các địa phương chưa quản lý tốt các hoạt động tự phát này.

Mô hình nuôi cá nước lạnh đang đem lại lợi nhuận kinh tế cao

Lào Cai có 4 cơ sở SX, kinh doanh giống thủy sản nước lạnh, tập trung chủ yếu tại huyện Sa Pa. Con giống được nhập trứng từ nước ngoài về ấp nở, số lượng không đủ cung ứng cho như cầu SX của các trang trại. Bên cạnh đó, thức ăn cho cá được các cơ sở chăn nuôi tự lấy từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu nhập khẩu từ châu Âu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu các lô hàng thương mại này chưa được kiểm soát.

Ông Đặng Quốc Hùng, Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, thực hiện kế hoạch thanh tra hằng năm, vừa qua đã tiến hành kiểm tra 13 cơ sở nuôi cá nước lạnh thuộc hai huyện là Sa Pa và Bát Xát. Qua đó, phát hiện mẫu cá của 12 cơ sở có “ngậm” chất cấm.

Theo ông Hùng, sau khi xác minh, đây là một loại chất có trong thuốc trị bệnh cho cá nên sẽ chỉ xử phạt người trực tiếp sử dụng. Từ căn cứ này, thanh tra đã mời 6 người được xác định dùng hóa chất lên làm việc và ra quyết định xử phạt. Tính tới ngày 18/12, đã có 3 người chấp hành việc nộp phạt với 150 triệu đồng. Trong đó, một trường hợp bị Kho bạc Nhà nước phạt thêm tiền vì nộp phạt chậm so với thời hạn xử phạt.

Tuy nhiên, việc đảm bảo ATTP trong nuôi, chế biến cá nước lạnh vẫn rất đáng lo ngại
Chia sẻ với PV, đại diện một cơ sở vi phạm tại huyện Bát Xát cho biết khá bất ngờ khi nhận được kết quả xét nghiệm. Loại thuốc dùng trị bệnh cho cá đó trước nay các cơ sở vẫn truyền tai nhau để mua và dùng thấy rất hiệu quả. Sau vụ việc này, cơ sở xin tự chấn chỉnh, cam kết không tái phạm.

“6 cơ sở còn lại, chúng tôi đã gọi điện, gửi giấy mời lần 2, có xác nhận của bưu điện tuy nhiên vẫn chưa tới làm việc nên chưa thể ra quyết định xử phạt. Đồng thời còn 3 cơ sở đã có quyết định xử phạt nhưng qua kiểm tra từ Kho bạc Nhà nước vẫn chưa tới thực hiện nghĩa vụ”, ông Hùng thông tin.  

Siết chặt quản lý

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, PGĐ Sở NN-PTNT cho biết, có 2 vấn đề trong thời gian tới cần tăng cường quản lý, siết chặt. Một là ngăn chặn cá nước lạnh không rõ nguồn gốc thẩm lậu qua biên giới vào Việt Nam. Thứ hai là việc các cơ sở sử dụng hóa chất trong nuôi cá chưa tuân thủ quy định. Minh chứng rõ ràng nhất là việc phát hiện sản phẩm cá “ngậm” chất cấm.

Ông Nhẫn thừa nhận, mặt bằng chung về nhận thức, trình độ KHKT trong nuôi cá nước lạnh trên địa bàn còn thiếu do chưa được đào tạo bài bản. Do thấy lợi nhuận cao, nhiều hộ chăn nuôi tự phát không đăng ký kinh doanh, tự mày mò kỹ thuật. Ngay tại cấp cơ sở như UBND các huyện nhiều khi cũng không quản lý và biết ở địa phương mình có bao nhiêu hộ nuôi, ai làm chủ?

Về vụ chất cấm, ông Nhẫn cho biết, Sở đã làm thẳng tay và công tâm. Mỗi cơ sở, đoàn kiểm tra lấy một mẫu, chia làm ba phần trên lô hàng chuẩn bị xuất bán. 2 mẫu lưu tại cơ sở nuôi và Sở NN-PTNT, 1 mẫu gửi về Trung tâm Kiểm định Nông, lâm và Thủy sản vùng 1 (Bộ NN-PTNT), tại TP Hải Phòng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, có 12 mẫu cá bị nhiễm chất Green Malachite, là 1 trong 24 chất cấm trong chăn nuôi thủy sản được quy định tại Thông tư số 10/2016 của Bộ NN-PTNT.

Đáng báo động nhất là việc dùng chất cấm để xử lý nguồn nước, trị bệnh cho cá

Theo ông Nhẫn, đây là một chất có trong thuốc trừ bệnh nấm cho cá, nay đã bị cấm sử dụng. Qua kiểm tra, chính các cơ sở và người trực tiếp sử dụng đã khai, chỉ dùng theo thói quen và truyền nhau chứ không biết bị cấm. Sau khi sử dụng, Green Malachite hòa tan trong nước và ngấm vĩnh viễn vào thịt cá. Nguy hiểm ở chỗ, nếu nhiều hộ chăn nuôi sử dụng chung nguồn nước, toàn bộ cá sẽ bị nhiễm chất này.

Ông Nhẫn khẳng định, ngay từ đầu năm 2018, Sở sẽ tổ chức các lớp đào tạo về kỹ thuật nuôi cá, đặc biệt là về sử dụng hóa chất thủy sản. Đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện vùng nuôi cá mà UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành. Tiến tới sẽ thành lập Hiệp hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai.

Ông Nguyễn Anh Tuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai cho biết, sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho kiểm tra tổng thể, toàn diện về phát triển, nuôi trồng, kinh doanh cá nước lạnh. Đồng thời, chỉ đạo các huyện, Sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá chất lượng quy trình chăn nuôi, chăm sóc, sử dụng thuốc, hóa chất cho cá trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2018.
Green Malachite là chất gì? Green Malachite còn gọi là Xanh Malachite. Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra, Green Malachite là một hóa chất có thể gây bệnh ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Chất này đã bị cấm sử dụng và được kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng có trong thực phẩm ở nhiều nước trên thế giới.

KẾ TOẠI - HOÀNG ANH - TRẦN LONG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo